Ngày 12 tháng 4 năm 2024, Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Tình, giảng viên bộ môn Công nghệ Sinh học thuộc Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Di truyền và Chọn giống tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu sinh đã thực hiện đề tài có tên “Nghiên cứu đa dạng và phát triển nguồn gen một số loài lan hài (Paphiopedilum) đặc hữu khu vực miền núi phía Bắc” dưới sự hướng dẫn của GS. TS. Ngô Xuân Bình và TS. Trần Ngọc Hùng. Trong thời gian nghiên cứu, cô Nguyễn Thị Tình đã thu thập 23 mẫu lan hài tại khu vực miền núi phía Bắc. Các loài lan hài này đều có giá trị cao về mặt thẩm mĩ và thương mại, nhưng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, và một loài lan hài đặc hữu Việt Nam đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Để phát triển nguồn gen lan hài tại khu vực miền núi phía Bắc, Nghiên cứu sinh đã sử dụng phương pháp nhân giống hiện đại (thông qua nuôi cấy in vitro) và phương pháp truyền thống (thông qua tách mầm/chồi), và sử dụng chỉ thị phân tử nhằm đánh giá quan hệ họ hàng của các loài lan. Chín tổ hợp lai, bao gồm 6 tổ hợp lai xa và 3 tổ hợp lai gần, đã được xây dựng để phát triển các loài lan hài của khu vực. Đề tài đã nhân giống thành công lan hài Việt Nam – loài đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên, và lan hài Điểm Ngọc – loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Bên cạnh đó, đề tài đã lựa chọn được 3 tổ hợp lai với 2 tổ hợp lai xa và 1 tổ hợp lai gần, trong đó các con lai đã được tái sinh thành công trong phòng thí nghiệm. Một thành công khác của đề tài là đã xác định được giá thể và quy trình nuôi trồng đối với các loài lan hài được nhân giống ở trên.
Hội đồng bảo vệ đã đánh giá cao các kết quả mà Nghiên cứu sinh đã đạt được, đồng thời đưa ra những góp ý và kiến nghị để Nghiên cứu sinh hoàn thiện luận án. TS. Lương Hùng Tiến - Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng Bộ môn Công nghệ Sinh học, cùng các giảng viên, cán bộ của Viện đã đến chia vui và chúc mừng cô Tình. Với những thành tích đã đạt được, lãnh đạo Viện và Bộ môn mong cô Tình sẽ tiếp tục phát triển các đề tài nghiên cứu để góp phần bảo tồn các loài thực vật đặc hữu trên địa bàn, đồng thời tạo ra các sản phẩm phục vụ cho mục đích giảng dạy, nghiên cứu của bản thân và cho mục tiêu thương mại hóa các sản phẩm.
Lãnh đạo Viện, Bộ môn cùng cán bộ Viện CNSH-CNTP chúc mừng Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Tình trong buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ
Tin bài: Bộ môn Công nghệ Sinh học