logo
Trang chủ GIỚI THIỆU Cơ cấu tổ chức Bộ môn Đảm bảo Chất lượng và An toàn Thực phẩm

Giới thiệu Bộ môn Đảm bảo Chất lượng và An toàn Thực phẩm (Food Safety and Quality Assurance)

14/04/2023 10:47 - Xem: 1349

1. Sứ mệnh và tầm nhìn (Mission and Vission)

1.1 Sứ mệnh (Mission)

          Bộ môn Đảm bảo Chất lượng và An toàn thực phẩm trực thuộc Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo các chuyên ngành Đảm bảo Chất lượng và An toàn thực phẩm, Công nghệ Thực phẩm và các chương trình đào tạo khác trong Trường. Ngoài ra, Bộ môn tham nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực: Bảo quản và chế biến các nông sản, thực phẩm; Dinh dưỡng người; dinh dưỡng cây trồng; Quản lý chất lượng và Vệ sinh an toàn thực phẩm; Sản xuất các chế phẩm vi sinh, các sản phẩm dược liệu... Ngoài ra, giảng viên còn tham gia nhiều dự án về chuyển giao khoa học kỹ thuật có liên quan tới bảo quản, chế biến các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và dược liệu... góp phần cùng với Viện CNSH-CNTP và Nhà trường tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và các sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị nhằm phát triển bền vững khu vực trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam.

1.2 Tầm nhìn (Vission)

          Đến năm 2030, chương trình đào tạo do Bộ môn Đảm bảo Chất lượng và An toàn thực phẩm quản lý đạt tiêu chuẩn kiểm định AUN-QA hoặc tương đương.

2. Năng lực cốt lõi (Core competencies)

2.1 Giảng dạy (Teaching)

         Bộ môn Đảm bảo Chất lượng và An toàn thực phẩm cung cấp các khóa học chất lượng cao, có khả năng ứng dụng trong thực tiễn sản xuất. Các học phần được thiết kế đảm bảo đáp ứng được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo và những yêu cầu của thị trường lao động.

2.2 Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ (Research and Technology transfer)

          Bộ môn Đảm bảo Chất lượng và An toàn thực phẩm có thể chủ trì và tham gia triển khai các nhiệm vụ KH&CN các cấp, các khóa đào tạo tập huấn (cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; các hợp tác xã hoặc hộ sản xuất kinh doanh); tư vấn các kỹ thuật về bảo quản, chế biến, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất dược liệu, chế phẩm sinh học... Những kiến thức, kinh nghiệm từ các đề tài, dự án và các hoạt động tư vấn sẽ giúp nâng cao chất lượng bài giảng của giảng viên với các học phần đang đảm nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo chung của Viện và Nhà trường.

3. Định hướng phát triển (Development Orientation)

3.1 Đào tạo (Teaching)

         Tình hình mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam cũng như thế giới hiện nay đã cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Quá trình này không chỉ giới hạn trong phạm vi các nhà máy chế biến thực phẩm mà cần phải thực hiện trong suốt chuỗi sản xuất, cung ứng từ trang trại tới bàn ăn. Bên cạnh đó, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe toàn dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, duy trì sự ổn định và phát triển giống nòi. Từ đó, góp phần nâng cao sức lao động, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa và xã hội. Vì vậy, nhu cầu thị trường về lực lượng lao động tốt nghiệp ngành Đảm bảo Chất lượng và An toàn Thực phẩm là rất tiềm năng. Để đáp ứng nhu cầu này, Bộ môn Đảm bảo Chất lượng và An toàn thực phẩm sẽ đổi mới và cập nhật nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập để đảm bảo chuẩn đầu ra của các học phần và chương trình đào tạo luôn được cập nhật.

          Ngoài ra, xu hướng gia tăng kết nối trong và ngoài nước đã tạo ra cơ hội cho Bộ môn trong việc đề xuất và tham gia thực hiện hợp tác về trao đổi giảng viên, sinh viên và huy động các nguồn tài trợ cho nghiên cứu khoa học. Để phát triển theo hướng này, các học phần đang đào tạo cần có sự đổi mới và có sự giao thoa với các học phần tương đồng ở chương trình đào tạo uy tín khác trong và ngoài nước khác. Sự kết nối là điều kiện tiền đề để tiến hành các hoạt động hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

3.2 Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ (Research and Technology transfer)

         Bộ môn Đảm bảo Chất lượng và An toàn thực phẩm phấn đấu trở thành đơn vị uy tín trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Đảm bảo Chất lượng và An toàn Thực phẩm; Công nghệ Thực phẩm. Các nghiên cứu cần đáp ứng xu thế phát triển của xã hội, góp phần tạo ra sản phẩm mới, đảm bảo chất lượng và nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

         Các hoạt động trao đổi học thuật, tổ chức hội thảo, seminar, các cuộc thi khởi nghiệp, công bố bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước được tăng cường để khẳng định năng lực khoa học của Bộ môn. Qua đó, góp phần tăng uy tín trong việc thu hút vốn tài trợ với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

4. Nhân sự hiện tại của Bộ môn (Department staff)

         Bộ môn Đảm bảo Chất lượng và An toàn thực phẩm có đội ngũ các Thầy/Cô có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, tâm huyết, có mối quan hệ xã hội tốt và có khả năng thích ứng với sự thay đổi cao. Bảng dưới đây là danh sách và link hồ sơ khoa học của từng Thầy/Cô giảng dạy trong Bộ môn.

STT

Họ và tên

(Name)

Chức vụ

(Positions)

Học hàm, học vị

Link hồ sơ khoa học của

giảng viên giảng dạy

1

Nguyễn Đức Tuân

Phó Trưởng BM phụ trách

ThS

http://mysite.tuaf.edu.vn/nguyenductuan

2

Trần Văn Chí

Phó Viện trưởng, Giảng viên

TS

http://mysite.tuaf.edu.vn/tranvanchi

3

Lưu Hồng Sơn

Giảng viên

ThS

http://mysite.tuaf.edu.vn/luuhongson

4

Phạm Thị Vinh

Giảng viên

TS

http://mysite.tuaf.edu.vn/phamthivinh

5

Đinh Thị Kim Hoa

Giảng viên

ThS

http://mysite.tuaf.edu.vn/dinhthikimhoa

6

Trịnh Thị Chung

Giảng viên

ThS

http://mysite.tuaf.edu.vn/trinhthichung

7

Nguyễn Thị Hương

Giảng viên

ThS

http://mysite.tuaf.edu.vn/nguyenthihuong

8

Lê Thanh Ninh

Giảng viên

TS

http://mysite.tuaf.edu.vn/lethanhninh

 

5. Các học phần hiện đang đảm nhiệm (List of Asssigned Courses)

Tên học phần

Mô tả tóm tắt

Nguyên lý an toàn thực phẩm và Hệ thống quản lý chất lượng

Nguyên lý an toàn thực phẩm và hệ thống quản lý chất lượng cung cấp cho sinh viên và các cán bộ quản lý những kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm, các phương pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, các hình thức doanh nghiệp thực phẩm và các quy định, chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm. Cung cấp các kiến thức cơ bản về chất lượng thực phẩm, nội dung các hoạt động quản lý và kiểm tra chất lượng sản phẩm, kỹ thuật lấy mẫu, kỹ thuật quy hoạch kiểm soát mẫu trong sản xuất, xử lý số liệu. Ngoài các kiến thức trên người đọc sẽ được bổ sung một số kiến thức về các hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm.

Hoá sinh thực phẩm

Học phần Hoá sinh thực phẩm nghiên cứu thành phần hóa học, tính chất cấu trúc phân tử, mối liên quan giữa cấu trúc và chức năng sinh học, các quá trình chuyển hóa, trao đổi chất, trao đổi năng lượng của tế bào, cơ thể sống và ứng dụng của những tính chất chức năng, biến đổi hoá sinh này trong bảo quản, chế biến và kiểm soát chất lượng  nông sản thực phẩm. Môn học gồm ba phần kiến thức chính. Phần một là những biến đổi hoá sinh trong quá trình phát triển, bảo quản các nguyên liệu thực phẩm như ngũ cốc, các loại đỗ, rau củ quả, sữa, trứng, thịt, cá. Phần hai đề cập tới những biến đổi hoá sinh trong quá trình chế biến thực phẩm như quá trình lên men, quá trình chế biến các hạt có dầu, quá trình chế biến các sản phẩm từ sữa cũng như vai trò của quá trình tạo màu thực phẩm mà không có sự tham gia của enzyme… Phần ba sẽ nghiên cứu về những quá trình hoá sinh gây giảm chất lượng cũng như hư hỏng các sản phẩm thực phẩm, bao gồm các phản ứng hoá nâu có sự tham gia của enzyme, các quá trình oxy hoá lipid hay những phản ứng tạo mùi không mong muốn của các sản phẩm sữa. Như vậy kết thúc học phần Hoá sinh thực phẩm sinh viên sẽ có cái nhìn toàn diện, tổng quát về mối liên quan giữa biến đổi hoá sinh và công nghệ thực phẩm từ nguyên liệu thô tới những sản phẩm hoàn thiện.

Dinh dưỡng học

Dinh dưỡng học là một môn cơ sở ngành, môn học cung cấp các kiến thức về các thành phần dinh dưỡng có trong thực phẩm như glucose, protein, lipid, vitamin và chất khoáng. Sinh viên sẽ được tìm hiểu về quá trình hấp thu, tiêu hóa, vận chuyển các chất dinh dưỡng trong cơ thể và các vấn đề sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng. Đồng thời sinh viên cũng được cung cấp các kiến thức về đặc điểm sinh lý, nhu cầu dinh dưỡng cho từng đối tượng khác nhau, các phương pháp điều tra khẩu phần trên thực tế.

Luật và chính sách thực phẩm

Học phần luật và chính sách thực phẩm đưa ra những kiến thức chung và chi tiết về luật và các pháp lệnh, quy định trong sản xuất và chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm. Bên cạnh đó học phần cũng mô tả các quy trình và thủ tục để đăng ký tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm, công bố các tiêu chuẩn thực phẩm, các quy định về ghi nhãn hàng hóa, giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm. Thông qua môn học sinh viên còn nắm bắt được các quy định cụ thể liên quan tới việc nhập, xuất khẩu các sản phẩm nông sản thực phẩm theo quy định của Việt Nam và quốc tế.

Phân tích các mối nguy trong thực phẩm

Phân tích mối nguy là học phần cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về phân tích mói nguy trong thực phẩm. Hiểu rõ khái niệm, đánh giá và phân loại mối nguy. Giúp cho sinh viên đánh giá mức độ của mối nguy, xác định các biện pháp phòng ngừa các mối nguy trong chế biến thực phẩm. Sinh viên có thể vận dụng phân tích và kiểm soát mối nguy trong quá trình chế biến thực phẩm.

Phân tích và đánh giá cảm quan thực phẩm

Học phần Phân tích và đánh giá cảm quan thực phẩm là môn chuyên ngành trình bày cách thức lấy mẫu; nguyên tắc, cách thức tiến hành và xử lý kết quả của các phương pháp phân tích thành phần hóa học, chỉ tiêu vi sinh có trong thực phẩm và đánh giá cảm quan thực phẩm. Ứng dụng những kiến thức cơ bản từ học phần giúp sinh viên có thể thành thạo các phương pháp phân tích hóa sinh, vi sinh, đánh giá cảm quan nhằm mục đích kiểm soát chất lượng nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm trong quá trình chế biến và bảo quản.

Tin học ứng dụng trong quản lý chất lượng thực phẩm

Là học phần kiến thức chuyên ngành tự chọn. Học phần trang bị cho người học kiến thức về các chuẩn thống kê so sánh, phân tích các thành phần chính, phân tích tương quan đa biến, kỹ thuật phân nhóm…trong lĩnh vực Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm. Dựa vào kiến thức trên sinh viên mô phỏng, dự đoán, phân tích dữ liệu, quá trình trong quá trình sản xuất thực tiễn.

Kiểm soát và đảm bảo chất lượng các sản phẩm từ thực vật

Học phần mô tả các kiến thức về các quy trình kiểm soát và đảm bảo chất lượng đối với các sản phẩm trồng trọt bao gồm 3 nhóm chính: cây công nghiệp, rau quả và nhóm hạt lương thực trên các khâu xử lý sau thu hoạch và chế biến. Đồng thời, học phần sẽ mô tả các kiến thức về các thuật ngữ cơ bản như chất lượng sản phẩm, đảm bảo chất lượng, kiểm soát chất lượng, hoạch định chất lượng, chính sách chất lượng, mục tiêu và hệ thống chất lượng. Nội dung và trình tự áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO và hệ thống quản lý chất lượng toàn diện 5S tương thích với từng nhóm sản phẩm thực vật cũng sẽ được mô tả. Các quy định pháp luật về Quản lý chất lượng sản phẩm thực vật hiện nay cũng được đề cập và thảo luận. Từ đó, giúp sinh viên đánh giá được quy trình kiểm soát đối với dòng sản phẩm thực vật trong ngành công nghiệp thực phẩm nói chung.

Kiểm soát vi sinh thực phẩm

Kiểm soát vi sinh thực phẩm là học phần chuyên ngành đề cập đến những mặt lợi, mặt hại của vi sinh vật có trong thực phẩm và ứng dụng vi sinh vật trong bảo quản và chế biến thực phẩm. Đồng thời cung cấp thông tin về mức độ, ngưỡng, chỉ tiêu cho phép sự có mặt của vi sinh vật có trong thực phẩm. Bên cạnh đó học phần cung cấp kiến thức về các phương pháp kiểm nghiệm vi sinh vật trong thực phẩm và định hướng việc kiểm soát vi sinh vật trong thực phẩm.

Kiểm soát và đảm bảo chất lượng các sản phẩm đường, bánh kẹo

Là học phần cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về công nghệ sản xuất đường từ mía, các công đoạn và kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng trong các công đoạn đó nhằm đảm bảo chất lượng đường trong sản xuất. Cung cấp cho sinh viên các kiến thức về nguyên liệu trong sản xuất bánh kẹo và cách kiểm soát chất lượng của các nguyên liệu đó, công nghệ sản xuất một số loại bánh kẹo và kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất.

Bảo quản nông sản, thực phẩm

Môn học trang bị cho người học một số kiến thức về tầm quan trọng của công tác bảo quản nông sản thực phẩm trong bảo quản, chế biến và sản xuất nông nghiệp. Các tính chất của nông sản khi bảo quản; những hiện tượng sinh học xảy ra trong quá trình bảo quản, sự hoạt động của các loài sinh vật hại nông sản và một số kỹ thuật trong bảo quản, chế biến nông sản. Qua đó, học viên có thể tự trang bị cho mình kiến thức để áp dụng vào thực tế phục vụ cho đời sống và công việc chuyên môn của mình.

Quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm

Học phần Quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm là học phần chuyên ngành tự chọn, trang bị cho người học một số kiến thức về chất lượng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm, các nguyên tắc trong chế biến để bảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc, các bệnh truyền nhiễm, các yêu cầu đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm và nhà ăn công cộng để đảm bảo vệ sinh. Học phần cũng trang bị cho sinh viên các phương pháp để kiểm tra và đánh giá chất lượng thực phẩm, cung cấp một số mô hình và hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm.

                                                                                           Phó Trưởng BM

 

                                                                                               ThS. Nguyễn Đức Tuân